Hệ thống khí y tế (MGPS – Medical Gas Pipeline System) được ví như lá phổi của Bệnh viện, là một hệ thống cung cấp khí y tế từ nguồn khí thông qua hệ ống dẫn đến nơi bệnh nhân, phòng mổ sử dụng thông qua các thiết bị đầu ra, nó hỗ trợ việc điều trị tốt hơn.
Ngày nay khi đến một bệnh viện, trong phòng bệnh hay trong phòng cấp cứu chúng ta không còn thấy việc nhân viên y tế phải đẩy bình oxy nặng nề từ chỗ này qua chỗ khác, mà thay vào đó là một hệ thống khí y tế trung tâm hoàn hảo. Ngoài việc tiện lợi khi thao tác, hệ thống khí y tế trung tâm được trang bị một cách khép kín, an toàn và tránh gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.
(Sơ đồ nguyên lý của hệ thống khí y tế. Ảnh: Sưu tầm)
Việc thiết kế thường dựa vào các đặc điểm chức năng từng khoa, phòng, số giường bệnh, kiến trúc,…mà áp dụng các tiêu chuẩn hiện hành. Thông thường, hệ thống khí cơ bản: Khí Oxy (O2) , khí hút (VAC), khí gây mê N2O (khí cười), khí Nitơ (N2), khí nén, khí Cacbon đioxit CO2, hệ thống hút khí thải gây mê (AGSS).
(Một số loại máy trong nhà trung tâm của hệ thống khí y tế. Ảnh: Sưu tầm)
Đối với những bệnh viện hiện đại khi xây dựng thì người ta thường tính toán tới việc xây dựng luôn một hệ thống khí y tế trung tâm để đáp ứng yêu cầu an toàn cũng như tính thẩm mỹ. Các loại khí được đặt tại nhà trung tâm nhằm đảm bảo an toàn tránh cháy nổ. Diện tích nhà trung tâm sẽ phụ thuộc vào số lượng các loại máy móc tạo khí và vị trí đặt nhà trung tâm cũng cần được cân nhắc để đảm bảo đường ống dẫn khí là ngắn nhất và thuận tiện nhất. Từ đây, các loại khí được dẫn vào khu vực điều trị bằng hệ thống các ống inox y tế. Tại vị trí điều trị có các ổ cấp khí, khi cần khí nhân viên y tế chỉ cần cắm đầu dây cấp vào là có thể sử dụng, thường được đặt tại các hộp đầu giường bệnh nhân.
(Hộp khí đầu giường bệnh nhân. Ảnh: CHD)