preloader image

HIS là gì? Tìm hiểu các thành phần của hệ thống thông tin Bệnh viện

Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS – Hospital Information System) là một hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản không thể thiếu đối với bất kỳ một bệnh viện nào trong giai đoạn hiện nay khi bước vào giai đoạn chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh, chủ yếu tập trung vào nhu cầu quản lý bệnh viện.

HIS LÀ GÌ?

Trong nhiều cách triển khai, HIS là một hệ thống thông tin tích hợp toàn diện được thiết kế để quản lý tất cả các hoạt động của bệnh viện, chẳng hạn như các vấn đề y tế, hành chính, tài chính, pháp lý và xử lý các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái bệnh viện. HIS còn được gọi là phần mềm quản lý bệnh viện (HMS) hay hệ thống quản lý bệnh viện.

Ảnh: drdollah.com

ỨNG DỤNG HIS TRONG BỆNH VIỆN

Hệ thống thông tin bệnh viện cung cấp các thông tin về lịch sử khám bệnh, lịch sử sức khỏe của bệnh nhân và thời gian khám bệnh của bác sĩ. Vì đây là nơi lưu trữ nguồn dữ liệu lớn nên hệ thống cần được lưu trữ ở nơi an toàn, thường xuyên sao lưu dữ liệu đồng thời kiểm soát quyền truy cập theo cấp bậc trong một số trường hợp nhất định.

Hệ thống thông tin bệnh viện nâng cao khả năng phối hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân bằng cách cung cấp thông tin người bệnh, quá trình thăm khám chữa bệnh của bệnh nhân tại các bệnh viện trong cùng hệ sinh thái. Qua đó giúp bác sĩ, người khám chữa bệnh có cái nhìn tổng quan hơn về sức khỏe bệnh nhân.

Ngoài ra HIS còn cung cấp thông tin liên lạc nội giữa các phòng ban và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các thiết bị thông minh được kết nối và giao tiếp với hệ thống nhằm gia tăng khả năng tương tác và tiết kiệm thời gian.

HIS cung cấp một số phần mềm dành riêng cho chuyên khoa với các tính năng mở rộng khác nhau bao gồm nhiều hệ thống con kết nối tạo ra hệ sinh thái trong bệnh viện. Mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho bác sĩ, y tá và quản lý bệnh viện có thể hoàn thành công việc của mình trong thời gian sớm nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh viện. Một số hệ thống phổ biến như hệ thống thông tin phòng thí nghiệm (laboratory information system – LIS); hệ thống quản lý chính sách và thủ tục; hệ thống quản lý thông tin X quang (radiology information system – RIS); hệ thống lưu trữ hình ảnh và liên lạc (picture archiving and communication system – PACS).

CÁC LỢI ÍCH TIỀM NĂNG CỦA HỆ THỐNG THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • Quản lý hiệu quả và chính xác tài chính, chế độ ăn uống của bệnh nhân, đảm bảo các vấn đề về kỹ thuật và phân phối viện trợ trong cơ sở y tế. Giúp chủ đầu tư nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của bệnh viện.
  • Cải thiện và giám sát việc sử dụng thuốc của bệnh nhân đồng thời hỗ trợ hiệu quả quá trình nghiên cứu. Điều này dẫn đến việc giảm các tác dụng phụ bất lợi của thuốc đồng thời thúc đẩy việc sử dụng dược phẩm phù hợp.
  • Tăng cường tính toàn vẹn của thông tin, giảm thiểu việc giao tiếp thiếu thông tin và giảm sự trùng lặp của các mục nhập thông tin.
  • Phần mềm của bệnh viện rất dễ sử dụng, hiển thị các lựa chọn phù hợp, loại bỏ các lỗi do viết tay. Hệ thống máy tính công nghệ mới cho hiệu suất hoàn hảo trong quá trình lấy thông tin từ máy chủ.

VẤN ĐỀ HIỆN TẠI CỦA HIS

HIS cũng chính là vấn đề “đau đầu” của không ít các giám đốc bệnh viện vì vẫn còn một khoảng trống giữa mong muốn của nhà quản lý và khả năng thực của hệ thống thông tin bệnh viện. Đối với các bệnh viện chuyên biệt sẽ phát sinh các nhu cầu phức tạp khác nhau vì vậy rất khó để ứng dụng HIS cho toàn hệ thống trong thời gian ngắn vì vậy cần chuẩn hóa quy trình trước khi ứng dụng HIS cho từng phòng ban.

THAM KHẢO MỘT VÍ DỤ VỀ ỨNG DỤNG HIS

Thử tham khảo tình hình triển khai HIS tại các bệnh viện của Malaysia qua chuyên đề “Performance of Hospital Information System in Malaysian Public Hospital: a Review” được đăng trên Tạp chí International Journal of Engineering & Technology (2018):

Tính tới thời điểm của năm 2018, tại Malaysia có 138 bệnh viện công nhưng chỉ có 21 bệnh viện triển khai HIS (Hospital Information System). Bộ Y tế Malaysia chia các bệnh viện công thành 3 nhóm tuỳ theo mức ứng dụng HIS, bao gồm: nhóm bệnh viện triển khai hệ thống thông tin bệnh viện ở mức cơ bản – BHIS (Basic Hospital Information System), nhóm triển khai hệ thống thông tin ở mức trung bình – IHIS (Intermediate Hospital Information System) và nhóm triển khai hệ thống thông tin ở mức toàn bệnh viện – THIS (Total Hospital Information System).

Ảnh: drdollah.com

Việc Bộ Y tế Malaysia phân nhóm các bệnh viện thành 3 nhóm: BHIS, IHIS VÀ THIS là căn cứ vào các thành phần hiện có của hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) như sau:

– CIS (Clinical Information System): Hệ thống thông tin Lâm sàng, là một hệ thống máy tính với các ứng dụng giúp thu thập, lưu trữ, kiểm soát và làm cho dữ liệu lâm sàng có thể truy cập được khi cần thiết cho quá trình chăm sóc bệnh nhân. Thông thường, CIS được sử dụng như một phần của công tác văn phòng lâm sàng (sử dụng bởi các bác sĩ chuyên khoa và các trợ lý bác sĩ).

– FIS (Financial Information Systems): Hệ thống thông tin Tài chính, là một hệ thống máy tính và các ứng dụng chuyên dùng để xử lý các phần việc liên quan đến kinh doanh của các phòng khám và các khoa phòng trong bệnh viện và được sử dụng bởi nhân viên kế toán.

– LIS (Laboratory Information System): Hệ thống thông tin Xét nghiệm, là một hệ thống dữ liệu máy tính giúp giám sát dữ liệu trong phòng xét nghiệm cho tất cả các lĩnh vực của phòng xét nghiệm, ví dụ, khoa học lâm sàng, huyết học và vi sinh.

– NIS (Nursing Information Systems): Hệ thống thông tin Điều dưỡng, là một hệ thống máy tính với các ứng dụng giúp người điều dưỡng có thể dễ dàng biết được các thông tin lâm sàng do các bác sĩ chuyên khoa khác nhau đã thăm khám và chỉ định điều trị giúp cho công tác chăm sóc người bệnh của người điều dưỡng được chính xác, đầy đủ và an toàn cho người bệnh.

– PIS (Pharmacy Information System): Hệ thống thông tin Dược, là một hệ thống máy tính và các ứng dụng phức tạp giúp cho người dược sĩ giải quyết các vấn đề liên quan đến cung ứng và sử dụng thuốc trong bệnh viện.

– PACS (Picture Archiving Communication System): Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh, là hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh có nhiệm vụ quản lý công tác lưu trữ, truyền tải và thu nhận hình ảnh trên mạng máy tính của khoa chẩn đoán hình ảnh và của toàn bệnh viện, trong đó các hình ảnh được lấy từ các thiết bị như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hạt nhân… với định dạng ảnh phổ biến hiện nay là DICOM được lưu trữ tại các Server và truyền đến các máy tính tại khoa chẩn đoán hình ảnh và các khoa trong bệnh viện phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị. 

– RIS (Radiology Information System): Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh, là một hệ thống phần mềm giúp quản lý thông tin bệnh nhân, quản lý danh sách bệnh nhân đến chụp, chiếu tại khoa, số liệu chụp, chiếu và kết quả chẩn đoán… Thông tin dữ liệu của RIS gồm dạng text và dạng ảnh theo tiêu chuẩn DICOM được lấy từ các thiết bị chiếu chụp: X-quang, cắt lớp, siêu âm, cộng hưởng từ…

Bài viết tương tự:

– 5 Tiêu chí không thể thiếu khi chọn một công ty thiết kế bệnh viện

– Kiến trúc bệnh viện tác động đến cuộc sống bệnh nhân như thế nào?

– 5 Yếu tố chính trong việc lập kế hoạch thiết kế bệnh viện.

Cát Mộc Healthcare Design CHD hàng đầu tại Việt Nam chuyên về lĩnh vực thiết kế bệnh viện, thiết kế kiến trúc Y tế.

NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ VÀ BÁO GIÁ CHI TIẾT

 

Cát Mộc Healthcare Design

Địa chỉ: 436B/6 Ba Tháng Hai, P.12, Q.10, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam.

[H]: 1900 75 75 76

[M]: 0966 68 04 68

Phản ánh chất lượng phục vụ: 0966 68 04 68

Tham khảo: medinet.hochiminhcity.gov.vn, researchgate.net, drdollah.com

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY

Cát Mộc Healthcare Design (CHD) - Thương hiệu chuyên nghiên cứu và thiết kế các công trình bệnh viện, phòng khám và trung tâm y tế tại Việt Nam

BÁO GIÁ TƯ VẤN THIẾT KẾ