Hàng chục ngàn người Trung Quốc có thể đã bị giết hại tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân nhằm phục vụ cho ngành ghép tạng thu lợi nhuận.
Số lượng nội tạng mà Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã cấy ghép dường như lớn hơn nhiều con số mà bệnh viện này công bố, và nguồn gốc của số lượng chênh lệch là một bí ẩn. Các nhà nghiên cứu nói rằng nội tạng có thể đã được lấy từ các tù nhân lương tâm đang bị ngược đãi trong các trại lao động của Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Rob Counts/Epoch Times)
Theo các bản tin khoe khoang thành tích ngành y tế của các kênh truyền thông Trung Quốc, tính đến năm 2006, tại nơi làm việc của mình ở Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, bác sĩ Trầm Trung Dương – chủ nhiệm trung tâm phẫu thuật cấy ghép tạng của bệnh viện này – đã thực hiện hơn 1.600 ca ghép gan.
Tháng 9 năm 2006 với sự ưu đãi ngân sách từ chính quyền địa phương bệnh viện này đã chính thức đưa vào hoạt động một toà nhà mới. Ông Trầm đã được cấp bằng sáng chế về kỹ thuật bơm máu vào gan và cắt gan nhanh, các trang web về cấy ghép tạng của chế độ đã gọi ông là “người tiên phong vĩ đại trong ngành ghép tạng” của Trung Quốc.
Với tất cả những lời tán dương mà báo chí Trung Quốc dành cho những ca ghép tạng cứu người của bác sĩ Trầm, có rất ít sự chú ý dành cho nguồn gốc nội tạng mà ông đã sử dụng. Sự nghiệp của ông bác sĩ này được xây dựng trên rất nhiều xác chết – một điều hiển nhiên – nhưng câu hỏi thực sự là: Những người chết đó là ai?
Lời giải thích của chính quyền là nguồn tạng được lấy từ các tù nhân bị xử tử chính thức. Tính khả tín của lời giải thích trên phụ thuộc vào sự tương ứng xấp xỉ giữa số ca cấy ghép với số lượng các vụ hành quyết.
Tại Thiên Tân, chỉ có thể có khoảng 40 vụ hành quyết mỗi năm – con số được tính bằng cách lấy tỷ lệ giữa dân số của Thiên Tân với tổng số người chết của cả Trung Quốc.
Có rất ít các con số chính thức từ bệnh viện, nhưng ẩn sau sự kín đáo ấy đã chỉ rõ rằng Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân (một trong những bệnh việc được ca ngợi nhiều nhất và hoạt động tất bật nhất Trung Quốc, trong nhiều năm qua đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính quyền) đã tiến hành cấy ghép số nội tạng lớn hơn gấp nhiều lần nguồn cung từ các tử tù bị hành quyết.
Hơn nữa, bệnh viện này dường như đã cấy ghép số nội tạng gấp nhiều lần con số họ công bố.
Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân).
Từ các tài liệu có thể tìm thấy công khai, thời báo Epoch Times đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về các hoạt động của bệnh viện này, từ đó đã tìm thấy đầy đủ bằng chứng dẫn đến một sự nghi ngờ khổng lồ, thậm chí có thể bác bỏ hoàn toàn báo cáo về nguồn gốc nội tạng của chính quyền. Sự nghi ngờ đơn giản là xuất phát từ con số các ca ghép tạng: Nó quá lớn.
Đó là một vấn đề của đất nước Trung Quốc.
Nó có nghĩa là phần lớn các nội tạng được cấy ghép tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân – và nói rộng ra là các bệnh viện lớn khác trên khắp Trung Quốc – có thể không phải là của các tử tù.
Và cũng không đến từ con số ít ỏi những người tình nguyện hiến tạng, vì hệ thống hiến tạng tự nguyện mà Trung Quốc cố gắng thành lập chỉ mới xuất hiện rất gần đây, và nó vẫn còn trong giai đoạn non trẻ.
Điều này chắc chắn mang đến một câu hỏi khác vốn khiến chính quyền Trung Quốc đặc biệt khó chịu nhưng lại chưa bao giờ giải đáp: các nội tạng đó thực sự từ đâu mà có?
Vào năm 2000, đột nhiên xuất hiện một nguồn nội tạng bí ẩn và trở thành nền tảng để toàn đất nước Trung Quốc nâng cao công suất ghép tạng, trong đó Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân được coi như là một ví dụ điển hình.
Vậy nguồn nội tạng bí ẩn này được giải thích như thế nào?
Trong nhiều năm qua các nhà nghiên cứu nhân quyền đã khẳng định là nhiều người bị giam cầm có khả năng chính là nguồn cung cấp nội tạng bí ẩn này.
Sự chênh lệch lớn giữa con số ghép tạng được công bố và trong thực tế của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, cùng với một loạt các bằng chứng chi tiết khác, đã bổ sung thêm sức nặng và tính cấp bách trong những lời tuyên bố của các nhà nghiên cứu.
Vấn đề này phần lớn đã bị lảng tránh bởi những người có uy tín trong cộng đồng y tế quốc tế. Nhưng ngày càng có nhiều các bằng chứng chi tiết ủng hộ cho cách giải thích rằng các bệnh viện tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã giết hại có tổ chức hàng loạt các tù nhân lương tâm bằng chính các dụng cụ y tế, nhằm thu lợi nhuận.
Và cùng với đó là nỗi thất vọng trong cộng đồng y bác sĩ vì chưa có biện pháp nào được tiến hành để ngăn chặn tội ác này.
Bác sĩ Trầm Trung Dương, chủ nhiệm trung tâm cấy ghép tạng tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, trong một bức ảnh không đề ngày tháng. (Nguồn ảnh: Kanzhongguo)
Cơ hội đến với một bác sỹ phẫu thuật tại Trung Quốc.
Cuối những năm 1990 là thời điểm sự nghiệp của bác sĩ Trầm Trung Dương, chuyên môn phẫu thuật ghép gan, đang ở trong một giai đoạn u ám: ngành công nghiệp ghép tạng ở Trung Quốc kém phát triển, các ca phẫu thuật đầy rủi ro, nên người muốn cấy ghép tạng rất ít, và nguồn cung nội tạng còn hạn chế.
Vào tháng 5 năm 1994, ông đã thực hiện cho thành phố Thiên Tân ca ghép gan đầu tiên sau khi thuyết phục được một công nhân nhập cư 37 tuổi bị bệnh xơ gan chấp nhận cho ghép gan. Vào thời điểm đó, cấy ghép nội tạng được thực hiện miễn phí cho những người nhận tạng, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ thành công thấp.
Nhiều năm sau đó lĩnh vực ghép tạng cũng không có sự phát triển đáng kể, và vào năm 1998 sau khi nhận được bằng Bác sĩ y khoa tại Nhật Bản ông Trầm trở về Trung Quốc.
Khi trở về, ông đã dùng tiền của mình (100.000 nhân dân tệ, hay khoảng 300 triệu đồng Việt Nam) để thiết lập một bộ phận nhỏ chuyên về cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân.
Lúc ban đầu quá trình tiến triển diễn ra chậm chạp: vào cuối năm 1998 đơn vị cấy ghép của ông chỉ thực hiện được 7 ca ghép gan. Trong năm 1999, họ thực hiện được 24 ca.
Vào năm 2000, mọi thứ xoay chuyển nhanh chóng khi đột ngột xuất hiện một nguồn cung cấp nội tạng. Trong 10 năm tiếp theo đó, ngành ghép tạng trở nên phát đạt tại Trung Quốc và bác sĩ Trầm Trung Dương là một trong những người đã phất lên nhờ đó.
Tại Thiên Tân, số ca ghép tạng liên tục tăng: có 209 ca ghép gan vào tháng 1 năm 2002; và con số sau đó lên tới 1.000 ca vào cuối năm 2003, theo một báo cáo của trang tin tức Enorth Netnews, cơ quan ngôn luận của chính quyền thành phố Thiên Tân.
Những thành công của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ hệ thống ghép tạng ở Trung Quốc: Một hệ thống mà ở đó các hoạt động ghép tạng không minh bạch; ẩn nấp ở phía sau là những mối quan hệ với lực lượng bán quân sự; nguồn cung nội tạng tiếp tục là một bí ẩn và việc nội tạng được đáp ứng nhanh chóng gợi ý rằng luôn sẵn có một lượng lớn những người hiến tạng; và các kỹ thuật lấy tạng được sử dụng là dùng để lấy tạng người sống hoặc những người hấp hối.
Phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho ghép tạng.
Tháng 12 năm 2003 đánh đấu lần mở rộng đáng chú ý nhất của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, Cục Y tế thành phố Thiên Tân đã đầu tư 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 400 tỷ đồng Việt Nam) để xây dựng một tòa nhà 17 tầng (bao gồm một tầng trệt và hai tầng hầm) chuyên phục vụ cho cấy ghép tạng.
Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy họ tự tin về một nguồn cung cấp nội tạng dồi dào và liên tục.
Tòa nhà được đặt tên là Trung tâm Ghép tạng Đông phương, với công suất 500 giường bệnh và diện tích sàn 36.000 mét vuông, nó hướng tới trở thành một “trung tâm cấy ghép toàn diện có khả năng ghép gan, thận, tụy, xương, da, tóc, tế bào gốc, tim, phổi, giác mạc, và họng”, theo Enorth Netnews.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân. Giai đoạn 2003 -2006: 21 triệu đô la Mỹ, giai đoạn 2015 – 2017 (dự đoán): 426 triệu đô la Mỹ.
Như vậy sau dự án này toàn bộ Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân bao gồm một khu cấp cứu, một trung tâm điều trị ngoại trú, và một tòa nhà ghép tạng cao hơn hẳn hai khu trên.
Đến năm 2004, trong khi tòa nhà Ghép tạng Đông phương đang được xây dựng, để đáp ứng nhu cầu ghép tạng, đế chế ghép tạng của bác sĩ Trầm đã mở rộng đến năm chi nhánh rải khắp Thiên Tân, Bắc Kinh và tỉnh Sơn Đông.
Trong các tài liệu chính thức của họ, tập đoàn này tuyên bố đã thực hiện số lượng các ca ghép gan lớn nhất trên thế giới, và số lượng ca ghép thận lớn nhất ở Trung Quốc.
Chi nhánh Bắc Kinh đã được đặt tại Bệnh viện đa khoa Cảnh sát vũ trang nhân dân, nơi đây Trầm Trung Dương là giám đốc của Khoa ghép tạng. (Cảnh sát vũ trang là lực lượng bán quân sự hùng mạnh của Trung Quốc với quân số một triệu người)
Nếu phải chọn một trung tâm ghép tạng có nhiều tai tiếng nhất ở Trung Quốc, gần như chắc chắn đó sẽ là Trung tâm Ghép tạng Đông phương. Trung tâm này đã trở thành một vấn đề đau đầu chính đối với chính quyền.
Ethan Gutmann cùng cuốn sách “Cuộc tàn sát” của ông (Ảnh của Gutmann)
Ẩn ý đằng sau việc xây dựng bệnh viện ghép tạng to lớn
Nhà nghiên cứu Ethan Gutmann đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Cuộc tàn sát” vào năm 2014, trong đó cung cấp tư liệu chứng minh cho những gì ông nói là sự tàn sát hàng loạt để lấy nội tạng từ các tù nhân.
Ông Gutmann đã mô tả trang web du lịch ghép tạng, www.cntransplant.com, của Trung Quốc như là “thủ đoạn” mà ông coi là tiêu biểu.
“Có thể tôi sẽ có một buổi nói chuyện ở một trường đại học, tôi sẽ hỏi xem các thính giả truy cập vào trang web này bằng điện thoại và hỏi xem có ai nghi ngờ gì không”, ông Gutmann trao đổi trong một cuộc phỏng vấn với thời báo Epoch Times không lâu sau khi các trang web quảng cáo các dịch vụ của Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã bị đóng cửa vào tháng 6 năm 2014.
Chính bệnh viện này đã khiến Hiệp hội Ghép tạng, một tổ chức quốc tế vốn rất uy tín đã phải viết một bức thư thể hiện sự bực tức vào đầu năm 2014, trong đó họ quở trách Trung Quốc vì không đếm xỉa gì những lời hứa gần đây rằng sẽ không tiếp tục sử dụng nội tạng từ các tử tù.
Bức thư này viết rằng: “Trang web quảng bá du lịch ghép tạng của Thiên Tân vẫn tiếp tục tìm kiếm các bệnh nhân quốc tế nào có nhu cầu ghép tạng”.
“Sự bất lương ngấm ngầm của các chuyên gia y tế và sự cấu kết, thông đồng rộng khắp vì lợi nhuận này là không thể chấp nhận được”.
Ghép tạng là một dịch vụ cao cấp dành cho các khách hàng giàu có, đi kèm một sản phẩm cao cấp, và rất hiếm: đó là nội tạng người tươi mới. Nhưng ở Trung Quốc thứ quý hiếm đó lúc nào cũng được đáp ứng nhanh chóng, mà người nhận tạng lại không cần cung cấp thông tin cá nhân nào (điều này không giống như thủ tục nhận tạng ở các nước phương Tây).
Theo các nhà nghiên cứu, trong khi Trung Quốc thực tế không có sự hiến tạng tự nguyện, nhưng họ lại xây dựng một trung tâm ghép tạng to lớn và hiện đại, tuyển thêm nhân lực, cung cấp trang thiết bị, và hoạt động nó với công suất dày đặc trong gần một thập kỷ. Những ẩn ý đằng sau nó khiến người ta phải ớn lạnh.
“Điều đó có nghĩa là bạn đã hoàn toàn chắc chắn sẽ tìm ra được người ‘hiến’ tạng cho bạn”, Maria Fiatarone Singh, một giáo sư về y tế sức khỏe tại Đại học Sydney đã trao đổi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
dieu tra dac biet mot benh vien duoc xay dung de giet nguoi phan 1 “Nó có nghĩa là bạn đã hoàn toàn chắc chắn sẽ tìm ra được người ‘hiến’ tạng cho bạn”. – Giáo sư Maria Fiatarone Singh, đại học Sydney
“Trong bối cảnh không có hệ thống hiến tạng tự nguyện, nó ngụ ý rằng nguồn cung cấp nội tạng vô đạo đức này chắc chắn là rất lớn và luôn sẵn có, và rằng có một lợi nhuận khổng lồ được sinh ra từ đó”.
Bà Singh là một thành viên của tổ chức Các Bác sĩ Chống Mổ Cướp Nội Tạng, một tổ chức y tế kêu gọi sự nhận thức về việc lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc.
Vậy thực sự thì Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân đã tiến hành bao nhiêu ca ghép tạng?
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn: sưu tầm.